PHÂN BIỆT GIỮA ÂM THANH VÀ TIẾNG ỒN
Ốc tai điện tử đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi được giới thiệu vào những năm 1970. Một số tiến bộ đáng chú ý nhất trong vài năm qua là công nghệ lọc âm thông minh của bộ xử lý âm thanh, tiêu biểu như công nghệ giảm tiếng ồn gió.
“Giảm tiếng ồn”, nghe thật là lý tưởng đúng không nào. Nhưng công nghệ hiện nay giảm tiếng ồn như thế nào? Để trả lời câu hỏi trên, trước hết chúng ta phải làm rõ “tiếng ồn” là gì, hay nói rộng hơn “âm thanh” là gì.
Âm thanh là gì?
Âm thanh tồn tại dưới dạng dao động: các sóng dao động trong không khí dịch chuyển qua lại. Nhưng âm thanh được tạo ra không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể “nghe” được âm thanh. Chỉ khi các dao động này được truyền tới cơ quan thính giác, và được chuyển đổi thành tín hiệu điện, não bộ của bạn mới hiểu được và thực hiện hành động nghe.
Gió, thực ra không tạo âm thanh. Chỉ khi gió đập vào một vật thể nhất định và khiến vật thể đó dao động, chúng ta mới nghe được “tiếng gió”.
Tiếng ồn là gì?
Tất cả âm thanh về bản chất đều là những rung động. Không có sự khác biệt vật lý giữa tiếng ồn và âm thanh thông thường.
Điều khác biệt là cách người nghe phản ứng với những âm thanh này. Tiếng ồn đơn giản là bất kỳ âm thanh nào mà bạn không muốn nghe.
Tiếp tục với ví dụ về tiếng gió. Nếu vào một buổi chiều mùa hè ấm áp, bạn đang đi bộ trong khu rừng và nghe tiếng gió thổi qua những tán cây, đó có phải là tiếng ồn không? Hay bạn thích nghe âm thanh này? Điều gì làm cơn gió đó khác với cơn gió xuất hiện lúc bạn đang nói chuyện, khiến bạn không thể nghe rõ lời người khác? Cả hai đều là các rung động thuần túy. Điểm khác biệt là bạn chỉ muốn nghe cơn gió dễ chịu trong rừng cây, chứ không phải cơn gió cản trở bạn giao tiếp với người khác.
Chuyên gia thính học gọi đó là “mục đích nghe”, có nghĩa là âm thanh có thể là “tiếng ồn” nhưng cũng có thể là “không phải tiếng ồn” tùy thuộc vào cách bạn muốn nghe.
Sự khác biệt giữa “tiếng ồn” và “không phải tiếng ồn”
Bộ não con người là một cơ quan đáng kinh ngạc, có thể phân biệt đâu là tiếng ồn và đâu không phải tiếng ồn – và tự động tập trung vào âm thanh bạn muốn nghe. Điều này là do ý định của người nghe. Nếu bạn đang chú ý nghe giọng nói của ai đó trong môi trường ồn ào, bộ não của bạn sẽ bắt kịp giọng nói của họ và có thể giảm âm ồn nền.
Hãy tưởng tượng bạn đang xem TV, ai đó bước đến và bắt đầu nói chuyện. Trong tình huống này, âm thanh nào là tiếng ồn? Âm thanh từ TV hay giọng nói của người kia? Điều đó phụ thuộc vào âm thanh bạn muốn nghe. Nếu bạn thích nói chuyện với người này thì âm thanh từ TV là tiếng ồn. Nếu bạn tập trung vào chương trình trên TV, thì lời nói của người kia sẽ là tiếng ồn. Cả hai đều tạo ra rung động, não của bạn có khả năng xác định đâu là rung động bạn muốn nghe và đâu là rung động bạn không muốn nghe.
Giảm tiếng ồn
Vậy tất cả những điều này liên quan gì tới công nghệ như giảm tiếng ồn gió? Đó là công nghệ xử lý âm thanh của các thiết bị trợ thính được thiết kế để bắt chước theo cách bộ não của bạn hoạt động: xác định âm thanh nào bạn muốn nghe và âm thanh nào bạn không muốn nghe.
Đọc thêm: Máy trợ thính giảm tiếng ồn.
TRUNG TÂM TRỢ THÍNH & TBYT KHÁNH TRẦN
Địa chỉ:
- Văn phòng chính: Tầng 3, Số 74 Tây Sơn, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội
- Chi nhánh Hà Nam: Tổ 8, khu đô thị Hai Pha, Phủ Lý, Hà Nam
- Chi nhánh Vũng Tàu: Số 1129, Đường 30/4, Phường 11, TP Vũng Tàu
Hotline: 0978.191.612
Email: kthearing@gmail.com / Contact@kthearing.com